top of page

Luận văn thạc sĩ luật: Bảo đảm quyền tự do lập hội theo Hiến pháp 2013


MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài

Quyền tự do lập hội là quyền con người quan trọng của một xã hội dân chủ, đồng thời cũng là một chuẩn mực bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân bởi nó góp phần bảo đảm thực hiện các quyền con người khác.

Quyền tự do lập hội được ghi nhận lần đầu tiên tại Điều 20 Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền – UDHR năm 1948. Ngoài việc quy định “mọi người có quyền tự do hội họp và lập hội một cách hòa bình”, Khoản 2 Điều 20 còn nêu rõ “không ai bị ép buộc phải tham gia vào bất cứ hiệp hội nào”. Sau đó, trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị – ICCPR được LHQ thông qua năm 1966 đã tái khẳng định và cụ thể hóa tại Điều 22, trong đó nêu rõ “Mọi người có quyền tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình”.

Kể từ khi hoàn toàn độc lập đến nay, Việt Nam cũng đã tham gia nhiều hơn vào các diễn đàn quốc tế, trong đó có diễn đàn về quyền con người. Tăng cường đối thoại, chủ động tham gia ký kết và thực hiện các cam kết và điều ước quốc tế về quyền con người đang là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Đến nay, Việt Nam đã ký kết và gia nhập nhiều Công ước quốc tế về nhân quyền trong đó có Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (Việt Nam gia nhập năm 1982).

Hiện nay trong xu thế hội nhập quốc tế, số lượng các hội được thành lập gia tăng nhanh chóng1. Với môi trường dân chủ, cởi mở hội nhập, các hoạt động kinh tế – xã hội ngày càng phát triển, xã hội hóa ngày càng cao, việc

thành lập và phát triển hội thực sự là yêu cầu của thực tiễn đời sống và là xu thế tất yếu nhằm thỏa mãn nhu cầu tự do, dân chủ, sáng tạo của người dân và xã hội. Các hội phát triển đa dạng với quy mô, phạm vi, tính chất hoạt động khác nhau đã góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.

Tự do lập hội là một quyền con người cơ bản được ghi nhận trong luật nhân quyền quốc tế và Hiến pháp của hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Như vậy, với hiệu lực pháp lý tối cao của nó, Hiến pháp đang đóng vai trò là công cụ pháp lý cơ bản để thực hiện hóa các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người nói chung hay quyền tự do lập hội nói riêng ở các quốc gia. Tuy nhiên, cũng như một số quốc gia khác, khuôn khổ pháp luật về quyền tự do lập hội ở Việt Nam hiện vẫn còn các rào cản, hạn chế sự hoạt động của các hội, nên mặc dù có nhiều hội nhưng hoạt động của hội chưa hiệu quả, chưa bảo đảm thực hiện quyền này một cách đầy đủ và thực sự.

Với những lý do nêu trên, tôi quyết định chọn đề tài “Bảo đảm quyền tự do lập hội theo Hiến pháp 2013” để làm đề tài Khóa luận cử nhân với mong muốn nghiên cứu, tìm hiểu rõ và sâu sắc hơn quyền tự do lập hội, tìm ra nguyên nhân vì sao quyền tự do lập hội chưa được bảo đảm đầy đủ ở Việt Nam, từ đó đề xuất quan điểm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về bảo đảm quyền tự do lập hội trong bối cảnh hiện nay của nước ta.

2. Tình hình nghiên cứu đề tài

Từ trước đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu, tài liệu khoa học đề cập các vấn đề liên quan tới nội dung này một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như:

Về sách và giáo trình: Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng đồng chủ biên (2011), Giáo trình lý luận và pháp luật về quyền con người, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Vũ Công Giao 6

(2016), Bảo đảm quyền tự do lập hội theo Hiến pháp 2013 – Lý luận và thực tiễn, Nhà xuất bản Hồng Đức.

Về các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học: Phạm Thị Hồng (2013), Hoàn thiện pháp luật về hội ở Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sĩ Luật học, Học viện Khoa học xã hội, Viện khoa học xã hội Việt Nam; Hoàng Lan Anh (2014), Bảo đảm quyền con người trong Hiến pháp Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội; Đặng Ngân Hà (2017), Hoàn thiện pháp luật về tự do lập hội ở Việt Nam hiện nay, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội; Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (2016), Đời sống hiệp hội từ góc nhìn người dân.

Những nghiên cứu trên đã cung cấp một lượng thông tin lớn về cả lý luận và thực tiễn về việc thực hành và bảo đảm quyền tự do lập hội trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Tuy nhiên, các tác giả chưa đi sâu nghiên cứu nguyên nhân vì sao quyền tự do lập hội chưa được bảo đảm đầy đủ ở Việt Nam để từ đó đưa ra các giải pháp về hoàn thiện khuôn khổ pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả bảo đảm quyền tự do lập hội.

3. Mục tiêu nghiên cứu đề tài

Mục tiêu của Khóa luận là làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn về bảo đảm quyền tự do lập hội theo Hiến pháp 2013, từ đó trả lời câu hỏi tại sao quyền tự do lập hội chưa được đảm bảo đầy đủ ở Việt Nam. Trên cơ sở đó đề xuất những quan điểm, giải pháp nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về quyền tự do lập hội ở nước ta trong thời gian tới.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của Khóa luận: Những vấn đề lý luận cơ bản về

quyền tự do lập hội, cơ chế bảo vệ quyền tự do lập hội trong các công ước quốc tế, điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam.

Phạm vi nghiên cứu: Khóa luận tập trung nghiên cứu những nội dung cơ bản về bảo đảm quyền tự do lập hội, phân tích thực trạng, đánh giá tình hình bảo đảm quyền tự do lập hội theo Hiến pháp 2013, những ưu điểm và bất cập còn tồn tại.

5. Những đóng góp về lý luận và thực tiễn của đề tài

Khóa luận là công trình khoa học ở cấp độ Cử nhân đề cập đến vấn đề bảo đảm quyền tự do lập hội, cung cấp những kiến thức, thông tin, luận điểm và đề xuất mới có giá trị tham khảo với các cơ quan nhà nước trong việc hoàn thiện pháp luật mà chủ yếu là khuyến nghị có Luật về Hội để góp phần bảo đảm quyền tự do lập hội ở nước ta trong thời gian tới.

6. Phương pháp nghiên cứu

Để làm rõ các vấn đề cần nghiên cứu trên, Khóa luận sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khoa học khác nhau, như phương pháp tổng hợp và phân tích, phương pháp so sánh và đối chiếu, kết hợp nghiên cứu lý luận và thực tiễn…

7. Bố cục Khóa luận

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, Khóa luận gồm 4 chương như sau:

Chương 1: Quyền tự do lập hội trong pháp luật quốc tế

Chương 2: Quyền tự do lập hội trong pháp luật một số quốc gia

Chương 3: Quyền tự do lập hội trong Hiến pháp 2013 và các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành

Chương 4: Một số kiến nghị về hoàn thiện pháp luật để bảo đảm quyền tự do lập hội theo Hiến pháp 2013.


 
 
 

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


Contact

Hà Nội

​​

Tel: 0911070546

luanvan3c@gmail.com

  • Facebook
  • Twitter
  • Instagram
  • YouTube

© 2023 by Personal Life Coach. Proudly created with Wix.com

Thanks for submitting!

bottom of page